Trong những năm qua, nâng cao chất lượng dạy và học là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu phấn đấu của toàn thể cán bộ, viên chức trường Chính trị tỉnh Đắk Lăk. Với quyết tâm đó, từ tháng 10 năm 2016 nhà trường tiến hành đổi mới hình thức thi hết môn học. Trong các khâu của quá trình dạy học, thi là một khâu không thể thiếu vì đây là cách thức đánh giá, xếp loại kết quả học tập của người học. Đa phần người học đều rất quan tâm đến kết quả học tập. Đối với nhà trường kết quả học tập là thước đo đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Việc đổi mới thi của nhà trường thể hiện ở chỗ nếu trước đây hình thức thi chủ yếu là thi đề đóng với cách ra đề là trình bày hoặc nêu một vấn đề nào đó trong sách giáo khoa của chương trình học thì hiện nay hình thức thi phong phú hơn, gồm thi đề mở, thi trắc nghiệm, thi vấn đáp. Đổi mới hình thức thi không chỉ thể hiện ở sự đa dạng hình thức thi mà còn thể hiện cả ở cách thức tổ chức thi. Các lớp trong quá trình học tập sẽ được tổ chức nhiều hình thức thi luôn phiên giữa các môn học. Không có một hình thức thi cố định cho một môn học nào. Nội dung câu hỏi đề thi cũng có sự đổi mới theo hướng lý luận gắn với thực tiễn hoặc đi sâu vào bản chất của vấn đề được nghiên cứu chứ không đơn thuần trình bày lại các nội dung của bài học theo giáo trình. Đổi mới thi cử còn thể hiện ở việc nhà trường thực hiện đúng quy chế của Học viện Chính trị quốc gia về ra đề, đáp án và công đoạn bảo đảm bí mật đề thi đến phút chót. Để góp phần cho hoạt động thi cử thêm dân chủ, nhà trường đã thành lập Ban thanh tra giáo dục. Với thời gian một năm đi vào thực hiện, hiện nay hoạt động tổ chức thi hết các môn học, thi tốt nghiệp của nhà trường đã đi vào nền nếp, nghiêm túc.
Với tư cách là giảng viên trực tiếp đứng lớp, ra đề, chấm thi và tiếp xúc với học viên các khóa, các lớp, các hệ đào tạo (tập trung, không tập trung, lớp ở trường, lớp ở huyện), bản thân tôi thấy rằng đổi mới hình thức thi như trên của nhà trường đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, vì:
Thứ nhất: Đổi mới hình thức thi đã làm cho ý thức học tập của học viên nâng cao lên nhiều so với trước đây
Nếu trước đây một tỷ lệ không nhỏ anh chị em học viên học theo kiểu qua loa, chiếu lệ, chưa đầu tư thời gian nghiên cứu, học tập, chưa thật sự chú ý nghe giảng, đào sâu suy nghĩ thì hiện nay ngược lại đại đa số anh chị em học viên đều nhận thức rằng nếu không nghe giảng, không tự nghiên cứu, trao đổi sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của các đợt thi. Từ nhận thức đó, bản thân mỗi học viên đều đã phấn đấu nghiên cứu học tập tốt, lắng nghe giảng, chủ động trong nghiên cứu học tập. Đây là sự thay đổi lớn về ý thức học tập của học viên mà chúng ta cần tiếp tục phát huy.
Thứ hai: Đổi mới hình thức thi đã tạo ra sự phân hóa rõ hơn trong đánh giá học viên
Kết quả của bài thi là một căn cứ quan trọng trong đánh giá học viên, phân loại học viên, học viên nào đầu tư nghiêm túc cho việc nghiên cứu bài, học bài thì kết quả họ nhận được tốt và ngược lại. Hiện nay điểm thi của các lớp qua theo dõi thấy có sự phân hóa rõ nét hơn. Nếu trước đây ít có học viên không đạt yêu cầu khi thi cử, điểm khá nhiều thì hiện nay có cả 4 loại điểm: không đạt yêu cầu, trung bình, khá, giỏi. Những bài giỏi có xu hướng tăng lên với chất lượng cao hơn. Các bài thi của học viên cũng không còn “một khuân” nữa mà đã mang dấu ấn tư duy cá nhân của người học, nhiều bài thi học viên đã thể hiện được nhận thức riêng của bản thân khá rõ nét. Đây là một tín hiệu vui, một động lực cho các thầy cô phấn đấu có nhiều bài giảng tốt hơn nữa phục vụ người học.
Thứ ba: Tạo ra phong trào thi đua học tập trong lớp, hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử
Do cách thức tổ chức nên nhiều lớp khi bóc đề thi học viên mới biết hình thức thi là gì (trừ trường hợp thi vấn đáp có kế hoạch trước của nhà trường) nên học viên phải chủ động học tập, cộng với cách thức tổ chức thi nghiêm túc nên không còn hiện tượng sử dụng tài liệu trong phòng thi.
Mặc dù đối tượng học viên của nhà trường là cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nguồn của các cơ quan, ban ngành và của cấp cơ sở, nhưng trong một môi trường sư phạm đề cao chất lượng học tập, các đề thi đòi hỏi người học phải độc lập trong tư duy, làm phân loại rõ kết quả thi, điều này dẫn đến hệ quả là tạo ra phong trào thi đua học tập sôi nổi trong lớp, trong nhà trường.
Thứ tư: Đổi mới thi cử góp phần cao chất lượng sau đào tạo
Chất lượng đào tạo và chất lượng sau đào tạo có mối quan hệ mật thiết với nhau. Có thể hiểu chất lượng sau đào tạo chính là khả năng vận dụng tri thức người học đã được học tập được ở nhà trường vào công việc của bản thân; là sự hình thành phương pháp tư duy, khả năng nhận thức vấn đề; là sự hiểu biết về đời sống chính trị, xã hội; là ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp, với đất nước… Như vậy chất lượng sau đào tạo mới là mục đích cao nhất mà các cơ sở giáo dục nói chung, trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk nói riêng hướng tới. Chất lượng sau đào tạo chỉ có được trên cơ sở các kiến thức và phương pháp tư duy người học được trang bị trong quá trình tham gia học tập. Muốn các kiến thức đó khắc ghi, muốn hình thành được phương pháp tư duy thì người học phải biến nó thành của mình, nghĩa là phải học tập thực sự. Với cách thức thi như trên của nhà trường trong thời gian vừa qua bước đầu đã góp phần hiện thực được yêu cầu trên đối với người học.
Đây là những nhận thức bước đầu của tác giả về ý nghĩa việc đổi mới hình thức thi của trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk đến việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Trong những năm tới nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, những hình thức thi khoa học, phù hợp với trình độ của học viên đang ngày càng được nâng cao để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của nhà trường xứng đáng là một trong những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ uy tín nhất hiện nay của tỉnh Đắk Lắk./
Vũ Thị Ngọc
- Trường Chính trị Đắk Lắk tổ chức bảo vệ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của ThS. Nguyễn Thị Bích Hà làm Chủ nhiệm đề tài. (30/07/2020, 15:31)
- Trường Chính trị Đắk Lắk tổ chức bảo vệ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của ThS. Phạm Thị Minh Tính làm Chủ nhiệm đề tài (10/06/2020, 16:01)
- Trường Chính trị Đắk Lắk tổ chức bảo vệ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của ThS. Nguyễn Thị Bích Hà làm Chủ nhiệm đề tài (10/06/2020, 15:48)