QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐẮKLẮK (27/12/2016, 08:17)

Năm 1940 chi bộ Cộng sản Việt Nam được thành lập tại nhà tù Buôn Ma Thuột, dưới sự lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản, ngày 24 tháng 8 năm 1945 tỉnh Đăk Lăk được hoàn toàn giải phóng.

Chín năm kháng chiến chống Pháp nhân dân các dân tộc tỉnh Đăk Lăk phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường của mình, góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên thắng lợi oanh liệt ở Điện Biên Phủ.
Bị thất bại, thực dân Pháp ký hiệp định Giơ Ne Vơ ngày 20 tháng 7 năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Song đất nước tạm thời chia làm hai miền,miền Bằc tiến lên chủ nghiã xã hội , ở miền Nam đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm từng bước phá hoại hiệp định Giơ Ne Vơ thực hiện chính sách " Tố cộng ", "diệt cộng" lê máy chém khắp miền Nam nhằm tiêu diệt những đảng viên cộng sản và những người yêu nước ,chính sách tàn bạo đó đã đẩy nhân dân miền Nam đến một tình thế một mất một còn với địch, ngày 13 tháng 01 năm 1959 Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 15 chỉ rõ : " Con đường phát triển cuả cách mạng Việt Nam ở miền Nam là lấy sức mạnh của quần chúng,dưạ vào lực lượng quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang  đánh đổ quyền thống trị của đế quốc Mỹ và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân". Nghị quyết  nhấn mạnh "Hết sức tranh thủ điều kiện giáo dục, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ để bổ sung cho đội ngũ chiến đấu của Đảng".
Ở Đăk Lăk cuối năm 1959 đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) sau khi đi tiếp thu Nghị quyết 15 ở liên Tỉnh ủy về truyền đạt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở vùng căn cứ Cư Yú và làm kế hoạch giáo dục chính trị cho nhân dân, xây dựng và huấn luyện cán bộ
Đại hội lần thứ I của tỉnh Đảng bộ Đăk Lăk tháng 8 năm 1960 đã chủ trương tăng cường biên soạn tài liệu để huấn luyện cán bộ cơ sở, phát động đồng bào Êđê .
M'nông và các vùng có đông dân cư đứng lên làm cách mạng, giao cho Ban Tuyên huấn Tỉnh Ủy phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy mở các lớp cán bộ học tập ngắn ngày tập trung, hướng dẫn cho các huyện gần căn cứ của tỉnh mở lớp, viết các tài liệu và dịch từ tiếng kinh ra tiếng dân tộc để giáo dục cho cán bộ và nhân dân.
Đại hội lần thứ II tỉnh Đảng bộ Đăk Lăk được khai mạc tháng 3 năm 1963 tại EaMTLAN vùng căn cứ đông cư-yu. Đại hội kiểm điểm tình hình và nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng; Đại hội chủ trương thành lập trường Đảng tỉnh  Đăk  Lăk.
Tháng 3 năm 1963 trường Đảng tỉnh Đăk Lăk chính thức được hình thành.
Trường Đảng được xây dựng tại địa điểm trong một cánh rừng phía đông CưYu , sát con suối Ea - jip - Xã Ea Uôa - H2  (Huyện Krông Pa Tỉnh- Gia Lai hiện nay,) diện tích 150m2 gồm: Một hội trường lớn chứa được 30 đến 35 đồng chí, 8 cái nhà nhỏ để anh chị em về ăn, ở, học tập và một nhà dành cho cán bộ khung ở, một nhà nhỏ cạnh hội trường để các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra ở chỉ đạo và giảng bài cho các lớp học. Nhà bếp làm sát suối, tất cả đều làm bằng cây tre, le và cây rừng , sạp ngủ bện bằng cây lồ ô đập dập, xung quanh trường đều có hầm chữ A để trú ẩn đề phòng máy bay địch đánh phá.
Đồng chí AMa H'Lam được Thường vụ Tỉnh ủy cử đi học ở trường Nguyễn Ái Quốc liên khu V Trà my tỉnh Quảng Nam năm 1961 - 1962, cuối năm 1962 ra trường, đầu năm 1963  Tỉnh ủy bổ nhiệm giữ chức phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và trực tiếp  phụ trách Thường trực trường Đảng.
Giảng bài thường xuyên ở trường Đảng là các đồng chí trong  Thường trực Tỉnh ủy như đồng chí Vũ Hải Ban Tuyên huấn; đồng chí AMa H'Lam; đồng chí Hoàng Lê, đồng chí Võ Trung Thành, đồng chí AMa Thương...
Lớp học đầu tiên được tổ chức tại  cánh Bắc đồi đất đỏ Ea -jip - DLiêYa, buôn Uôr huyện Krông Pa tỉnh Gia lai hiện nay có 20 người tham gia, đối tượng là cán bộ đội công tác, bí thư, tổ trưởng, tổ phó Đảng, trạm trưởng và trạm phó giao  bưu.
Nội dung chương trình chủ yếu là học tập đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam; Nghị quyết của Tỉnh ủy, phương châm đấu tranh 2 chân 3 mũi giáp công; 5 bước phát động quần chúng , chính sách dân tộc, khí tiết cách mạng vv  .
-.1964 - 1965 Trường Đảng  đào tạo được 4 khóa với 55 học viên.
Tháng 7 năm 1966 Đại hội Tỉnh  Đảng bộ  Đăk  Lăk lần thứ III được triệu tập tại vùng căn cứ phía nam của tỉnh (EaPLay  Buôn Đăk Tuôr ) để kiểm điểm tình hình và sự chỉ đạo của tỉnh đề ra nhiệm vụ chống chiến tranh cục bộ , các cơ quan của tỉnh chuyển vào căn cứ phía Nam,Trường Đảng tỉnh từ căn cứ DLiêYa - H2 (Huyện Krông Pa Tỉnh Gia Lai hiện nay) chuyển về buôn Ghân xã Chư-DRăm huyện Krông Bông .
Giai đoạn 1966 - 1968 Trường Đảng tỉnh đào tạo 4 khóa với 67 học viên ,bồi dưỡng ngắn ngày 140 cán bộ cho bí thư chi bộ đội công tác, bí thư chi bộ  vùng căn cứ, bí thư chi bộ vùng giải phóng, trưởng phó Ban tuyên huấn các huyện, trưởng công an các huyện, trưởng ban đấu tranh chính trị binh vận ,hai đội biệt  động của thị xã.
Nội dung bồi dưỡng là Nghị quyết của Trung ương, của khu và Nghị quyết Đại hội lần thứ III ( 7/1966) của Tỉnh Đảng bộ về tình hình và nhiệm vụ mới, về giai cấp và đấu tranh giai cấp, tư tưởng sẵn sàng đánh Mỹ, vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc, vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng, ý chí, quyết tâm đánh Mỹ của cán bộ, đảng viên ,phương châm đấu tranh 2 chân, 3 mũi giáp công, 5 bước công tác. Thời gian bồi dưỡng từ  20 đến 25 ngày.
Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy do đồng chí Ama Quang Phó bí thư Tỉnh ủy phụ trách năm 1965 -1966, đến năm 1967 đồng chí Ama Lộc làm trưởng ban .
Năm 1968 đồng chí  Ama H'Lam (Nay Pum) được Thường vụ Tỉnh uỷ điều động về làm Bí thư H9  (Huyện Krông Bông) đồng thời Tỉnh uỷ cử đồng chí Nguyễn Quí Sâm Đảng uỷ viên Ban Tuyên huấn về nhận công tác ở Trường Đảng trực tiếp làm bí thư chi bộ, kiêm tổ chức giáo vụ trường, chi bộ trường Đảng có 6 Đảng viên, trường có 11 cán bộ nhân viên ngoài ra có phân Đoàn thanh niên, đồng chí Bùi Thị Đào làm phân đoàn trưởng trực thuộc chi đoàn Ban tuyên huấn Tỉnh uỷ do đồng chí Nguyễn Thanh Tùng làm bí thư.
Bị thất bại trong chiến tranh cục bộ , Mỹ thay đổi chiến lược, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc, xuống thang chiến tranh, chịu  ngồi đàn phán 4 bên ở PaRis và tiến hành chiến lược  "Việt  Nam hóa chiến tranh ở miền Nam ".
Tháng 4 năm 1969 Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk lần thứ IV được triệu tập tại buôn M'Năng Dơng vùng căn cứ phía nam của tỉnh để kiểm điểm tình hình và đề ra nhiệm vụ chống bình định nông thôn, chống Việt Nam hóa chiến tranh và tăng cường công tác xây dựng đảng. Các cơ quan của tỉnh cũng chuyển vào căn cứ phía Nam, trường Đảng tỉnh chuyển vào buôn Tul, xã Chư -Đrăm Huyện Krông Bông. Năm 1969 trường Đảng tỉnh đã đào tạo được 223 cán bộ, bao gồm cán bộ cơ sở và huyện ủy viên mới được bầu ở hầu hết các huyện, các vùng, trong đó có:
- 1 lớp chiến lược,1 lớp thông tin tuyên truyền, 1 lớp cán bộ giáo dục, 2 lớp cơ bản ( )
Nội dung đào tạo năm 1969 gồm các bài: Bài 1: Nắm vững đường lối cách mạng Việt Nam.Bài 2: Công tác quần chúng của Đảng. Bài 3: Xây dựng và phát triển kinh tế vùng ta và vùng địch.Bài 4: Công tác phát triển Đảng vùng căn cứ, vùng mới giải phóng. Bài 5: Đạo đức, phẩm chất cách mạng ( ) .
Năm 1970 nhà trường mở lớp cho cán bộ tuyên huấn, số lượng 20 đồng chí, thời gian học 20 ngày
Năm 1971 Trường Đảng lại chuyển sâu vào bên trong tại buôn Năng Dih xã Yang Mao huyện Krông Bông, đồng chí Hồng Quang phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và đồng chí Đoàn Long Vân trực tiếp phụ trách trường Đảng.
Cuối năm 1971 địch đổ quân xây đồn dã chiến đánh phá vùng căn cứ của Tỉnh, tháng 8 năm 1971 một tốp biệt kích xuyên rừng xuống đánh phá trường Đảng cuộc chiến đấu giữa đồng chí Hồng Quang với địch diễn ra nhanh, chúng ta đã bảo toàn được cán bộ. Trường vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa sản xuất tự túc lương thực vừa chiến đấu bảo vệ trường,đồng chí Ama Niêm cán bộ lãnh đạo trường Đảng trên đường đi miền Bắc chữa bệnh bị máy bay B52  đánh bom và hy sinh, đồng chí  Phạm Hùng và đồng chí Lê Chí cán bộ của trường đánh địch trong một trận càn đã anh dũng hy sinh, mộ của các đồng chí được mai táng gần khu vực trường
Năm 1971Trường Đảng tỉnh đã mở được 4 khóa học, tổng số 171 học viên  đối tượng bí thư chi bộ, huyện uỷ viên, đội trưởng đội công tác, thời gian mổi khoá từ 1 tháng đến 2 tháng.
Nội dung lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin; đường lối cách mạng miền Nam, chính  sách và công tác của Tỉnh ủy; năm bước công tác vận động quần chúng  ,công tác phát triển đảng ,vấn đề rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cộng sản và học di chúc Bác Hồ ( ).
Tháng 10 năm 1971 Đại hội tỉnh Đảng bộ Đăk Lăk lần thứ V được triệu tập họp tại buôn Ngô vùng căn cứ phía Nam của tỉnh - Đại hội kiểm điểm tình hình từ sau tết Mậu Thân 1968 và bàn phương hướng nhiệm vụ chống Việt Nam hóa, chống bình định lấn chiếm và chuẩn bị cho đợt hoạt động 1972.
Đồng chí Ama Thương  được thường vụ bổ nhiệm giữ chức trưởng Ban Tuyên huấn từ năm 1971 đến 1972. Mặt khác Thường vụ Tỉnh ủy điều động đồng chí Hồng Quang về giữ chức bí thư H5  (Huyện Cư M'Gar ).
Năm 1972 Trường Đảng chuyển về Chư Nuí Voi xã  Dliêya  Huyện krông Năng.
Năm 1972 Trường Đảng tỉnh đã đào tạo tập trung và ngắn ngày cho 389 cán bộ, trong đó  có 76 huyện ủy viên và 117 cán bộ sơ cấp, tương đương trình độ bí thư, chi ủy, 106 cán bộ xã, thôn, 90 cán bộ đội công tác. Các lớp tập huấn ngắn ngày tập trung của Tỉnh: 227 cán bộ trung, sơ cấp và cán bộ cơ sở. 
Tháng 9 năm 1973 Đại hội tỉnh Đảng bộ Đăk Lăk lần thứ VI họp tại suối EaMTLan trong vùng căn cứ phía Bắc của tỉnh. Đại hội quán triệt việc học tập Nghị quyết 21 của Trung ương và bàn nhiệm vụ, phương châm, chính sách của Đảng trong giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Ái được bổ nhiệm giữ chức trưởng Ban Tuyên huấn. Trường Đảng tỉnh do đồng chí Châu Khắc chương phó Ban Tuyên huấn phụ trách. Ngoài các lớp chỉnh huấn học Nghị quyết của Tỉnh ủy, trong năm trường Đảng đã mở được 4 lớp tập trung cán bộ công tác vùng địch cho 149 cán bộ, mở 1 lớp  xây dựng vùng căn cứ cho 40 cán bộ. Ngoài ra nhà trường cũng cử cán bộ xuống mở các lớp tập huấn ngắn ngày cho 60 cán bộ phía trước, bồi dưỡng cán bộ cơ sở 19 lớp, có 507 cán bộ cốt cán tham gia. ( )
Năm 1974 do yêu cầu, nhiệm vụ mới Thường vụ Tỉnh uỷ ,trường Đảng chuyển ra xóm A, buôn Ea Drơng , buôn Gia Wằm - H5 ( Huyện Chứ M'Nga ). Trường Đảng tỉnh là nơi Tỉnh ủy tổ chức học tập, quán triệt tình hình và nhiệm vụ mới, mở lớp lực lượng đi phía trước tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, tổng số 50 đồng chí học tập cấp tốc, đồng thời năm 1975 mở lớp T74 của khu 5 với 20 học viên bổ sung cho Đăk Lăk làm nhiệm vụ giải phóng đất nước, học viên lớp trên hiện có đồng chí Lữ Ngọc Cư - Đại tá Giám đốc Sở công an tỉnh Đăk Lăk hiện nay và đồng chí Phạm Văn Huẩn bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột.
Ngày 10 tháng 03 năm 1975 thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, công tác đào tạo cán bộ thời kỳ này tập trung học tập Nghị quyết 24 của Trung ương Đảng, chỉ thị 259 của Bộ chính trị, đánh giá thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta và thất bại của địch, tình hình và nhiệm vụ mới, thành lập chính quyền cách mạng các cấp, bộ phận trường Đảng sau khi tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột cùng với bộ phận ở căn cứ chuyển ra đã tích cực khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để mở lớp. Tháng 5 năm 1975 trường mở lớp cho cán bộ các huyện học tập Nghị quyết 24, số lượng 45 đồng chí, thời gian 30 ngày. Đến tháng 11 năm 1975 trường Đảng mở lớp cho 92 cán bộ sơ cấp của tỉnh, mở đầu thời kỳ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau giải phóng.
Năm 1976 Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương tiếp tục học tập Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 24, Nghị quyết 259 của Bộ chính trị, Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 tháng 11 năm 1975 của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ khóa VI.
 
Trường Đảng ra đời trong những năm  đầu (1963) của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hầu như không có gì, hội trường là những tranh tre, nứa lá nằm dưới tán rừng sâu ,Trường lại di chuyển nhiều lần ở nhiều địa điểm khác nhau. Năm 1968 chi bộ Đảng nhà trường được thành lập tại Buôn Tul xã Cư Đrăm huyện Krông Bông với 6 đảng viên, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng nhà trường thực hiện nội dung, phương pháp giảng dạy thích hợp với đối tượng, đảm bảo nội dung giảng " Dễ nghe, dễ ghi, dễ hiểu, dễ nhớ ". Nhà trường cũng từng bước cải tiến phương pháp giảng dạy, ngoài phần học lý luận Thường vụ Tỉnh ủy phân công các ban, ngành, huyện chuẩn bị những báo cáo thực tế cho các lớp học tập. Tính đến năm 1975 trường Đảng đã đào tạo 1341học viên, bồi dưỡng 934 cán bộ ,bao gồm các cấp ủy viên của các huyện ủy, trưởng, phó Ban Tuyên huấn các huyện và thị xã, các đội công tác của các huyện, thị, các đội biệt động, xung kích của thị xã Buôn Ma Thuột; Trưởng ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện, cho tất cả cán bộ cốt cán ở các xã vùng căn cứ và vùng giải phóng. Trường  cùng với phòng huấn học của Ban Tuyên huấn biên soạn và phát hành tờ thông tin nội bộ bằng 2 thứ tiếng kinh và Ê đê để thông tin tình hình nhiệm vụ và hướng dẫn công tác xây dựng Đảng cho các chi bộ vùng căn cứ, vùng giải phóng trong toàn tỉnh. ( )
Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo trực tiếp cuả Thường vụ Tỉnh uỷ,cán bộ,nhân viên nhà trường, đoàn kết, độc lập, chủ động sáng tạo, biết khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.Nhà trường đã phối hợp với Ban Tuyên huấn bám chắc đường lối, chính sách, nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng thời kỳ để xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp đối tượng học tập,biết kết hợp lý luận với  thực tiển và tổng kết kinh nghiệm cho công tác đaò tạo thời kỳ sau.
THỜI KỲ ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ THEO CHƯƠNG TRÌNH SƠ CẤP (1977 - 1983)
Là một tỉnh miền núi nằm trong địa bàn Tây nguyên Đăk Lăk có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế và quốc phòng quan trọng của đất nước.
Đăk Lăk có diện tích tự nhiên 19.756km2 địa hình tương đối bằng phẳng, có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thuận lợi để phát triển kinh tế. Về chính trị, dân số Đăk Lăk sau giải phóng 30 tháng 4 năm 1975 có 350.000 người (trong đó có trên 200.000 người là đồng bào các dân tộc thiểu số ) với hơn 20 dân tộc anh em cùng chung sống trong 100 buôn, thôn, thuộc 90 xã, phường.
Tuyệt đại bộ phận nhân dân lao động các dân tộc có truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tuyệt đối trung thành với Đảng và Chính phủ.
Về an ninh và quốc phòng, Đăk Lăk có đường biên giới với Cam Pu Chia dài 240 km và chưa ổn định, là một trong những nơi bọn phản động tập trung chống phá quyết liệt và dai dẳng; Vì vậy nhiệm vụ củng cố an ninh chính trị, bảo vệ biên giới, tăng cường quốc phòng là một trong những nhiệm vụ nặng nề và quan trọng của tỉnh.
Đảng bô tỉnh Đăk Lăk được thử thách, rèn luyện, có kinh nghiệm lãnh đạo và chỉ đạo trong cách mạng giải phóng dân tộc, song bước sang thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội đang đứng trước những khó khăn rất lớn.
Nghị quyết  Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk lần thứ VII tháng 6 năm 1977 nêu rõ:
" Khó khăn cấp bách và to lớn trong buổi ban đầu của ta là tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội chưa được củng cố, hàng vạn ngụy quân, ngụy quyền tan rã chưa tước vũ khí, quản lý chặt chẽ, chỉ sau  một thời gian ngắn bọn phản động đã tập hợp lại lực lượng nổi lên chống phá cách mạng từ nông thôn đến thị xã gây nên một tình hình rất phức tạp và nghiêm trọng, chính quyền ta chưa được xây dựng vững chắc nhất là cơ sở còn quá yếu, nhiều nơi bị bọn phản động cài vào. chống lại ta ..Nạn đói và thất nghiệp trầm trọng, tệ nạn xã hội địch để lại còn lan tràn. Đồng bào ta tuy hết sức phấn khởi trước thắng lợi của cách mạng nhưng mặt khác do địch kìm kẹp lâu ngày, sau giải phóng bọn phản động lại nổi lên hoạt động, đời sống khó khăn nên cũng phát sinh nhiều mặt tiêu cực. Đội ngũ cán bộ ta hết sức thiếu và chưa quen với nhiệm vụ mới, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến huyện, xã, phường còn thiếu và yếu, bất cập. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần tứ IV yêu cầu : " Nhiệm vụ công tác tư tưởng trong Đảng hiện nay là phải làm cho cán bộ, đảng viên thấu suốt các Nghị quyết của Đại hội, nâng cao một cách cơ bản trình độ chính trị và phát huy tính tự giác trong hoạt động của cán bộ, đảng viên, cải tiến các hình thức và phương pháp giáo dục trong Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị, tổ chức tốt hệ thống báo, thời sự chính sách, định kỳ mở những lớp bồi dưỡng ngắn ngày về đường lối và chính sách của Đảng, cải tiến công tác giáo dục lý luận và chính trị ". ( )
Dưới ánh sáng và chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Đăk Lăk lần thứ VII vòng II (13 - 6 - 1977) đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ chung về tiến hành Cách mạng XHCN và xây dựng CNXH trong tỉnh, quyết định phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu trong 5 năm (1976 - 1980) và kế hoạch 2 năm ( 1977 - 1978 ) xây dựng và cải tạo kinh tế, văn hóa, củng cố  chính  trị, giữ  vững  an  ninh  quốc  phòng,  quyết  định  " Nhiệm vụ và công tác xây dựng Đảng bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ xã, thôn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản, yêu cầu hết sức khẩn trương, vừa bồi dưỡng cho cán bộ đương giữ chức vụ lãnh đạo và quản lý, vừa tích cực đào tạo một cách cơ bản và qui mô lớn những cán bộ tỉnh, cán bộ địa phương để chuẩn bị cho yêu cầu tương lai " .
Phải coi trọng đào tạo và bồi dưỡng cả 3 loại cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn kỹ thuật,  đảm bảo đến năm 1980 tự lực giải quyết đủ yêu cầu của địa phương, Nghị quyết cũng chỉ rõ, phải : " Có qui hoạch đào tạo cán bộ trên cơ sở đó mà hình thành ba hệ thống trường lớp, trường bổ túc văn hóa, trường Đảng, trường các đoàn thể và trường chuyên môn nghiệp vụ " ( ) .
Căn cứ vào chỉ thị số 231-CT/TW của Ban bí thư về việc thành lập các trường Đảng ở các tỉnh, thành. Căn cứ vào đề cương hướng dẫn thực hiện qui chế về tổ chức bộ máy và lề lối làm việc của Ban Tuyên huấn và trường Đảng các tỉnh phía Nam. Căn cứ vào yêu cầu và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong giai đoạn mới, ngày 18 tháng 01 năm 1977 Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Lăk ra quyết định số 17/TC-TU tách trường Đảng ra khỏi Ban Tuyên huấn và trở thành một đơn vị độc lập trực thuột Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Cao ( A Ma Cao ) Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn giữ chức Giám đốc, đồng chí Châu Khắc Chương phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy giữ chức phó giám đốc trực.
Lúc mới thành lập trường chỉ có một giảng viên, thầy Võ Tá Lưới học ở trường Nguyễn Ái Quốc 5  Thanh Xuân Hà Nội đến nhận công tác tại trường Đảng tỉnh Đăk Lăk , lúc này trường chưa có khoa mà chỉ có tổ nội dung, tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý là 22 người, bao gồm :Ban giám đốc có 02 đồng chí ,một giáo viên và 19 cán bộ công nhân viên chức.
Tháng 4 năm 1977 Ban Tuyên huấn Trung ương có quyết định tăng cường cán bộ làm công tác tư tưởng ở phía Bắc cho các tỉnh phía Nam, Học viện Nguyễn Ái Quốc Hà nội và trường Đảng Nghệ Tĩnh được tăng cường cho Đăk Lăk 06 đồng chí. Trong số đó đồng chí Đặng Hanh Phó giám đốc trường Đảng tỉnh Nghệ Tĩnh giữ chức Phó  giám đốc trường Đảng tỉnh Đăk Lăk .
Nghị quyết hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 mở rộng họp từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 20 tháng 8 năm 1978 để quán triệt Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương về tinh hình nhiệm vụ mới của tỉnh Đảng bộ Đăk Lăk và đề ra nhiệm  vụ năm 1979 của toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh.
Nghị quyết đánh giá công tác Đảng, công tác tư tưởng và tổ chức ở cơ sở hiện nay còn yếu, là tỉnh có tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ phong trào ít, chưa xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán từ các phong trào địa phương, chưa xây dựng được cơ sở Đảng, đoàn ở cơ sở vững chắc, có thể nói hai điểm yếu nhất của công tác tổ chức, là đội ngũ cán bộ tại chỗ và cấp cơ sở quá yếu, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ cho trường Đảng từ nay đến 1979 cần liên tiếp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày cho những cán bộ chủ chốt ở xã : Bí thư, chủ tịch, xã đội trưởng, trưởng công an, chủ nhiệm hợp tác xã, thực hiện phương châm vừa học, vừa làm. Đối với công tác xây dựng đơn vị cơ sở Nghị quyết chủ trương đào tạo cho được cán bộ tại chỗ cho yêu cầu trước mắt và có đội ngũ dự bị tiếp theo.  Để đáp ứng yêu cầu trên Tỉnh ủy Đăk Lăk ra chỉ thị số 305/CT-TV về cuộc vận động xây dựng đơn vị cơ sở, thông qua thực hiện cuộc cách mạng của quần chúng mà xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán tại chỗ đúng đường lối giai cấp và có năng lực quản lý điều hành kinh tế, quốc phòng, văn hóa xã hội, tổ chức đời sống, trên cơ sở giác ngộ giai cấp mà lựa chọn, sàng lọc, đào tạo một đội ngũ cán bộ đúng tiêu chuẩn, có chất lượng và đủ số lượng cần thiết để  hình thành hợp tác xã, xí nghiệp, chính quyền các đoàn thể quần chúng.
Yêu cầu cụ thể cần đạt được là giải quyết cho được vấn đề cán bộ tại chỗ là một yêu cầu trung tâm, cấp bách của Tỉnh uỷ trong việc xây dựng đơn vị cơ sở, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
" Gấp rút đào tạo, bổ sung cán bộ mới, trẻ xuất thân từ công nhân, nông dân lao động và trì thức XHCN. Tăng cường thành phần công nhân trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ dân tộc ít người, cán bộ nữ "  ( ).
Tháng 11 năm 1978 Tỉnh ủy và trường Đảng Trần Phú tỉnh Nghệ Tĩnh ( nay là Nghệ An và Hà Tĩnh ) đã tăng cường cán bộ giảng dạy lý luận chính trị cho trường Đảng Đăk Lăk 11 đồng chí, nâng số cán bộ, công nhân của trường tính  đến cuối năm 1978 lên 59 đồng chí.
Sau này do yêu cầu hình thành trường Đảng ở các huyện nên Tỉnh ủy điều một số cán bộ giảng dạy của  trường  Đảng  tỉnh  tăng  cường cho trường Đảng huyện Krông Ana.
Căn cứ vào nghị quyết Tỉnh ủy họp lần thứ 6, căn cứ vào chương V, điều 31  điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 26 tháng 7 năm 1978 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định số 332/QĐ-TU về việc thành lập Đảng bộ cơ sở - Quyết định thành lập Đảng ủy bộ phận trường Đảng tỉnh gồm có 5 chi bộ, trong đó có 2 chi bộ cơ quan trường và 3 chi bộ học viên, trực thuộc  Đảng ủy khối kiến Đảng tỉnh. Ban chấp hành Đảng bộ gồm các đồng chí :
1 - Đồng chí : Châu Khắc Chương - Phó giám đốc bí thư Đảng ủy
2 - Đồng chí : Hồ Phi Thức - Trưởng phòng tổ chức giáo vụ  phó bí thư Đảng ủy
3 - - Đồng chí : Đặng Hanh - Phó giám đốc , Đảng ủy viên
4 - Đồng chí : Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng hành chính quản trị , Đảng ủy viên.
5 - Đồng chí : Trần Văn An - Cán bộ giảng dạy - Thư ký công đoàn  Đảng ủy viên.
6 - Đồng chí : Võ Ngọc Linh - Học viên , Đảng ủy viên
7 - Đồng chí : Y Bình - Học viên , Đảng ủy viên
Các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công đoàn cũng được hình thành.
Mặc dù lúc đầu trường gặp rất nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ hết sức thiếu, nhất là cán bộ giảng dạy vừa thiếu lại vừa yếu, trường sở không ổn định, từ năm 1975  đến tháng 7 năm 1976 trường đóng ở Trường trung cấp sư phạm xã Hòa Thắng; tháng 7 năm 1976 đến tháng 6 năm 1977 trường chuyển đến Trường sư phạm mẫu giáo , tháng 7 năm 1977 trường chuyển về Tu viện , đến năm 1979 Trường Đảng  chuyển về Trường trung cấp nông nghiệp ( nay là Trung đoàn 584 ở ) và bàn giao Tu viện cho phân hiệu Trường nguyễn aí quốc11, cơ sở vật chất Trường Đảng thiếu, chưa đủ điều kiện cho việc giảng dạy và học tập, sinh hoạt của cán bộ và học viên, nhưng dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, trường đã vươn lên, khắc phục khó khăn, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ra sức phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy giao. Năm 1978 từ các đồng chí  trong Ban giám hiệu đến các đồng chí nhân viên phục vụ đã lao động tich  cực chuẩn bị moị mặt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ  sở.
1-Trường Đảng thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng các lớp ngắn han(1977 -1979)     Đây là giai đoạn nhà trường xây dựng tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ lãnh đaọ, quản lý ,giảng viên, cán bộ công nhân viên chức,ổn định điạ điểm, mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho dạy và học. Mặt khác thực hiện chủ trương cuả tỉnh uỷ đồng chí Châu khắc Chương , Lương Bảy ,Lê Văn Mán , Huỳnh Cầm, Võ Tá Lưới... đã tăng cường cho các phường ,thị xã Buôn Ma Thuột nhằm xây dựng ,củng cố tổ chức Đảng , chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở .
Năm 1977 - 1978 nhà trường bồi dưỡng cho 300 sỹ quan cuả Quân đoàn 3 tăng cường cho Đăk Lăk , số cán bộ này hoạt động tại chiến trường Tây nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thời gian học của lớp này là 3 tháng, từ tháng 9 năm 1977 đến tháng 12 năm 1977,địa điểm tại trường Hành chính cũ.
- Cuối 1978 trường bồi dưỡng cán bộ quân dân chính Đảng tỉnh Nghĩa Bình tăng cường cho tỉnh Đăk Lăk, số lượng hơn 200 đồng chí.
Thời kỳ từ năm 1977 - 1978 chủ yếu trường mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ cơ sở và cán bộ tăng cường cho cơ sở từ các tỉnh Nghĩa Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thái Bình, Nghệ Tĩnh, Quân khu V bổ sung cho Đăk Lăk.
Nội dung bồi dưỡng chủ yếu là học tập nghị quyết Đại hội IV của Đảng, nghị quyết 24 của Ban chấp hành Trung ương, nghị quyết 254 của Bộ chính trị, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VII, thông qua đó làm cho cán bộ, đảng viên nắm vững đường lối chính sách của Đảng về xây dựng CNXH, về củng cố an ninh chính trị, về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở thời kỳ sau giải phóng. Đặc biệt là tình hình và nhiệm vụ công tác trung tâm và cấp bách của tỉnh trong thời kỳ này về xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng Đảng bộ, chi bộ cơ sở, đấu tranh chống PulRô nhằm ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh sau ngày mới giải phóng.
Thực hiện chủ trương trên của tỉnh, năm 1977 - 1978 trường Đảng tỉnh thực hiện chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, mở liên tục, có lúc mượn cả trường sư phạm Cao Nguyên (ngày nay là  trường Đại học Tây nguyên) để mở. Vì cơ sở của trường lúc đó chật hẹp, chưa ổn định, nhờ vậy trường đã bồi dưỡng trên 3.000 cán bộ, đảng viên về trường học tập, bao gồm cán bộ từ nhiều nguồn khác nhau về tăng cường cho tỉnh, trong đó có trên 2.000 cán bộ đội công tác xuống xã, phường làm công tác xây dựng chính quyền cơ sở,  truy quét PulRô, tổ chức đời sống cho nhân dân.
Năm 1978 cán bộ, công nhân viên  nhà trường đã lao động khai hoang hơn 100 ha đất trồng sắn ở Buôn Gia Vầm để cải thiện đời sống .
Năm 1979 công tác xây dựng, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa ở Đăk Lăk tuy có cố gắng, nhưng sản lượng lương thực năm 1979 giảm sút 3 vạn tấn so với năm 1978 làm cho đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Tình hình cơ sở xã, thôn, nhất là đội ngũ cán bộ cốt cán tại chỗ vẫn còn thiếu và yếu.
Năm 1979 xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức cán bộ, Thường vụ Tỉnh ủy điều động đồng chí Đặng Hanh về giữ chức phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Mặt khác để kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở trường Đảng tỉnh, năm 1979 Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm đồng chí Hồ Phi Thức( nguyên là trưởng phòng tổ chức giáo vụ ) giữ chức Phó giám đốc nhà trường.Tổng số cán bộ công nhân viên chức nhà trường năm 1979 là 67 đồng chí. Biên chế cán bộ công nhân viên năm 1979 như sau :
- Ban giám đốc : 03 đồng chí
- Nguyễn Văn Cao - Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy - Giám đốc
- Châu Khắc chương - Phó ban Tuyên huấn - Phó giám đốc trực
- Hồ Phi Thức           - Phó giám đốc
Nhà trường hình thành 2 khoa ;3 phòng; Khoa lý luận cơ bản có 8 đồng chí , khoa đường lối - Lịch sử Đảng có 8 đồng chí ,phòng tổ chức giáo vụ có 5 đồng chí  ,phòng tư liệu thư viên có 04 đồng chí  ,phòng hành chính quản trị có 39 đồng chí :
Năm 1979 thực hiện chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và nghị quyết Đại hội lần thứ VII tỉnh Đảng bộ Đăk Lăk , nhà trường đã mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở theo chỉ thị 46. Đây là chương trình cơ bản chung cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở toàn miền Nam nhằm vừa bồi dưỡng lý luận  chủ nghĩa Mác - Lê nin; vừa bồi dưỡng đường lối chính sách của Đảng và những nhiệm vụ công tác trung tâm và cấp bách lúc đó.
Thực hiện chủ trương trên, đầu năm trường mở lớp học tập nghị quyết Trung ương 5 khoá IV và nghị quyết 8 Tỉnh ủy mở rộng cho 535 cán bộ trung, sơ cấp học; 02 lớp huấn luyện chương trình cơ bản theo chương trình cơ sở cho 128 cán bộ chủ trì xã, phường, thời gian mỗi lớp 45 ngày và mở 3 lớp cho 197 cán bộ đồng bằng tăng cường cho Đăk Lăk . ( )
Trong năm 1979 đã  có 1.118 cán bộ, đảng viên đến trường học, trong đó có 500 cán bộ chủ chốt cơ sở học chương trình cơ bản theo chỉ thị 46 và nghị quyết Đại hội VIII tỉnh Đảng bộ Đăk Lăk , nghị quyết Trung ương 5 khóa IV của Đảng.
Sau khi đội ngũ giảng viên được Ban Tuyên huấn, Học viện Nguyễn Ái Quốc, trường Đảng Trần Phú Nghệ Tĩnh tăng cường cho Đăk Lăk , trường có khả năng tự lực được giảng viên cho công tác đào tạo cán bộ theo chương trình sơ cấp. Lực lượng giảng viên lúc này đã được tăng cường từ một đồng chí đến nay có gần 15 đồng chí.
Năm 1979 trường mở lớp đào tạo thí điểm đầu tiên theo chương trình giữa cơ sở và sơ cấp về chính trị dựa trên chương trình cơ bản theo chỉ thị 46.
Đây là  lớp chuyển tiếp để tập duyệt khả năng giảng dạy  và phục vụ dài hạn ở trường. Lớp học có 120 học viên, trong đó có 38 học viên  người dân tộc, 15 nữ.
Đối tượng chủ yếu là cán bộ trẻ, số đông là đoàn viên ưu tú có khả năng kết nạp vào Đảng, thời gian học 6 tháng, lớp học đạt kết quả tốt. Qua lớp học này trường đã khẳng định rằng : Cùng với tiến bộ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức chính quyền ở cơ sở, đối tượng chiêu sinh cho các lớp đào tạo của trường là có, chắc chắn.
Đội ngũ giảng viên có khả năng giảng dạy chương trình sơ cấp, công tác phục vụ lớp học, từ các lớp tập trung, bồi dưỡng có khả năng phục vụ làm liên tục hàng năm theo kế hoạch.
Năm 1979 nhà trường được Thường vụ Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ tổ chức quản lý các lớp taị chức bồi dưởng quản lý kinh tế; mời trường Đaị học kinh tế quốc dân Hà nội vào giảng dạy; bồi  dưởng kiến thức kinh tế và quản lý kinh tế theo chương trình  Đaị học rút gọn cho 150 cán bộ trung sơ cấp , thời gian học 18 tháng.
Như vậy thời kỳ 1977 - 1979 trường Đảng đã làm được hai việc lớn.
Một là : Đã cấp tốc bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ, đảng viên khá lớn phục vụ cho nhiệm vụ cấp bách ở cơ sở là củng cố chính quyền và đánh địch bật ra khỏi buôn thôn ở một số nơi của ta, phát động quần chúng đấu tranh chống PulRô.Mặt khác thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng học tập nghị quyết của Đảng đã làm cho quần chúng giác ngộ xây dựng CNXH, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán cho việc xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở phục vụ tốt nhiệm vụ của tỉnh lúc bấy giờ.
Hai là : Trường đã tích cực chuẩn bị mọi mặt để đưa trường từ việc bồi dưỡng ngắn hạn đến việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm cơ bản của trường Đảng tỉnh là mở các lớp dài hạn theo chương trình thống nhất của Ban Tuyên huấn Trung ương mà trước hết là chương trình sơ cấp và sau đó là cao hơn. Cụ thể là : Đưa đội ngũ cán bộ của trường từ trên 10 người lên 50 người, trong đó cán bộ giảng dạy từ chỗ vài ba người lên hơn 20 người. Hình thành các bộ phận theo cơ cấu của trường Đảng tỉnh, trong đó có thành lập được 2 khoa giảng dạy, mở 01 lớp thí điểm chưa có điều kiện học chương trình sơ cấp đầy đủ, mà thực hiện chương trình tương đương sơ cấp dựa trên chương trình cơ bản theo chỉ thị 46.
Năm 1977 - 1979  công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ  có nhiều tiến bộ đã mở được một số lớp huấn luyện chính trị tập trung từ 30 đến 45 ngày .
2 - Trường Đảng thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo chương trình chung cả nước ( 1979 - 1983 ).
- Về nội dung chương trình, phương châm, phương pháp giảng dạy, nhà trường căn cứ vào nghị quyết đại hội IV của Đảng là quán triệt phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, đảm bảo tính khoa học, tính chiến đấu trong nội dung bài giảng, đồng thời căn cứ vào nội dung 6  phần của Ban tuyên huấn Trung ương đã chia chương trình ra làm 6 phần, trong đó 5 phần chung cho cả nước là  :
- Một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin ; Lịch sử Đảng ; Đường lối cách mạng xã hội chủ nghiã ở Việt Nam ;Xây dựng Đảng ;Quản lý kinh tế.
Ngoài ra chương trình phần thứ 6 là phần công tác lớn và cấp bách của tỉnh.   Thời kỳ 1980 - 1981 trên cơ sở kinh nghiệm của lớp  thí điểm , từ 1980 - 1982 trường đã mở  một năm 2 lớp sơ cấp học nối tiếp nhau : Một lớp học tháng 3 ra tháng 9 và một lớp vào tháng 6 ra tháng 12. Như vậy đến 1982 trường đã mở được 4 khóa và 7 lớp.
Cụ thể việc thực hiện chương trình sơ cấp 6 tháng là :
Số lượng đã thực hiện :1 lớp năm 1979 : 120 học viên; 2 lớp năm 1980 : 156 học viên; 2 lớp năm 1981 : 130 học viên; 2 lớp năm 1982 : 122 học viên.
Tổng cộng 7 lớp sơ cấp có 528 học viên, trong đó nam 408 học viên, nữ 120 học viên, dân tộc 139 học viên, đảng viên 409 học viên, đoàn viên 119 học viên, ngoài biên chế 122 học viên.
Đối tượng học sơ cấp : Trình độ học vấn : Cấp I : 162 học viên; Cấp II : 264 học viên; Cấp III : 102 học viên.
- Trình độ chính trị : Đảng ủy viên : 15 học viên, chi ủy viên : 57 học viên, Chủ tịch, phó chủ tịch : 36 học viên, các chủ chốt khác : 38 học viên; tuổi đời đại đa số dưới 35 tuổi. Phân bố ở các đơn vị : Thị xã 70 , Krông Pách 53, Krông Búk 52, EaSúp 35, Đăk nông 32, tỉnh đội công an 23, MaĐ'Răc 17, EaH'Leo 20, Lăk 36, Đăk Mil 27, các ngành, ban 70. Trường phổ thông lao động, trường thanh niên  XHCN, trường Ama Trang Lơng 93, còn lại là Krông Ana và Krông Bông.
Nhiều đồng chí cán bộ kế cận sau khi học xong về thay thế cho cán bộ chủ chốt cơ sở.
Bên cạnh công tác đào tạo ,bồi dưỡng cán bộ ,nhà trường đẩy mạnh công tác lao động sản xuất khai hoang 50 ha  đất để trồng lúa nước ở Buôn Triết , Buôn Trấp.
Ngày 02 tháng 01 năm 1983, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định số 15/QĐ-TW qui định vị trí, chức năng và nhiệm vụ  của trường Đảng tỉnh, thành phố, đặc khu. Trường có vị trí ngang với các ban khác của Tỉnh ủy. Trường chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy địa phương; đồng thời chịu sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương về nội dung chương trình và nghiệp vụ chuyên môn.
Trường có chức năng giáo dục lý luận Mác - Lê nin, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, những kiến thức cần thiết về lãnh đạo và quản lý cho cán bộ kế cận đã được lựa chọn theo qui định để đào tạo thành cán bộ chủ chốt ở cơ sở.;Bồi dưỡng lý luận chính trị năng lực công tác cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đương chức ở huyện, thị xã và cơ sở ;Bồi dưỡng giảng viên trường Đảng huyện, thị xã ( ) .
Nhiệm vụ của trường là mở các lớp đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các Đảng ủy ; chính quyền ,đoàn thể ở xã, phường, thị trấn, xí nghiệp bệnh viện , trường học và  các đơn vị tương đương .Ngoài mở lớp học tập trung, trường còn mở các lớp học tại chức cho các cán bộ thuộc các chức danh trên; Tổ chức mở lớp bồi dưỡng lý luận, đường lối, nghiệp vụ cho giảng viên trường Đảng huyện, thị xã, tổ chức nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến việc nâng cao chất lượng giáo dục trong trường Đảng.
- Năm 1982 Thường vụ Tỉnh ủy điều động đồng chí Châu Khắc Chương trở về nhận công tác ở Tỉnh ủy, đồng thời năm 1983 Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm đồng chí Hồ Phi Thức giữ chức Giám đốc và tháng 5 năm 1983 Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm đồng chí Phạm Xuân Bảng giữ chức phó giám đốc trường Đảng.
Năm 1983 Phân hiệu trường Nguyễn Ái Quốc 11 bàn giao cơ sở cũ trước đây cho trường tiếp nhận, để việc tiến hành quản lý về mọi mặt đi vào nề nếp có kế hoạch và ngày càng khoa học hơn nhằm đảm bảo cho việc học tập, giảng dạy, phục vụ có chất lượng tốt hơn, vì vậy trường đã tiến hành sắp xếp lại thành 3 khoa và 3 phòng như sau :
Khoa triết học, đường lối  ; khoa  kinh tế chính trị, quản lý kinh tế ; khoa Lịch sử Đảng - Xây dựng Đảng; phòng tổ chức giáo vụ ; phòng tư liệu thư viện;phòng hành chính quản trị.
Năm 1983 ngoài mở các lớp bồi dưỡng nghị quyết 3 và nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa V và Nghị quyết Đại hội IX của Tỉnh Đảng bộ ,đối tượng chủ yếu là cán bộ chủ chốt ở các cơ sở xã, phường, công, lâm, nông trường, xí nghiệp, trường Đảng tỉnh đã mở được 6 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 700 học viên, có  100 học viên đào tạo sơ cấp trong đó dân tộc 47 học viên ,đây là năm đạt số lượng đào tạo, bồi dưỡng cao nhất từ trước đến nay. Như vậy hàng năm nhà trường cũng chứa hàng nghìn lượt người học trong trường, lực lượng thường xuyên cũng có từ 200 - 500 người học.
Thời kỳ từ năm 1977 - 1983 tình hình an ninh chính trị; kinh tế - xã hội ở Đăk Lăk rất khó khăn ; phức tạp,  đội ngũ cán bộ Đảng , chính quyền, các đoàn thể quần  chúng ở cơ sở rất  thiếu và yếu; nhiệm vụ củng cố chính  quyền; xây dựng tổ chức cơ sơ đảng , đào taọ cán bộ được đặt ra cấp bách. Thưc hiện chủ trương cuả Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; Trường Đảng tỉnh từ năm 1977 - 1979 đã  bồi dưỡng các lớp ngắn hạn; từ năm 1979 - 1983 nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ cho cơ sở phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài.
Trường đã thực hiện chương trình 6 phần, trong đó 5 phần của Ban tuyên huấn Trung ương qui định cho chương trình sơ cấp và phần thứ 6 là những công tác lớn và cấp bách của tỉnh.
Đối tượng học viên trường qui định học vấn từ  lớp 3 trở lên.
Chế độ chính sách của học viên từ chỗ 13 kg gạo tăng lên 15 kg, mọi chế độ khác thực hiện như cả nước.
Số lượng học viên tốt nghiệp sơ cấp lả 8 lớp với 628 người, trong đó ở xã, huyện, thị là trên 400 người, bình quân mỗi xã có 3 đến 4 cán bộ chủ chốt học sơ cấp, cán bộ dân tộc, cán bộ nữ, cán bộ người tại chỗ vẫn còn rất ít, so với đội ngũ cán bộ cần có đội ngũ cán bộ chủ chốt mới có  25 % được đào tạo sơ cấp lý luận, hiện nhu cầu đặt ra phải  đào tạo 75 % cán bộ chủ chốt, nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy rất thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.
- Ngoài các lớp đào tạo theo chương trình sơ cấp, nhà trường còn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày cho hàng ngàn cán bộ chủ chốt ở xã như : Bí thư, Chủ tịch, xã đội trưởng, trưởng công an, cán bộ đội công tác v.v...
Công tác xây dựng đội ngũ, xây dựng tổ chức cán bộ, lúc này toàn trường có 52 người, trong đó cán bộ giảng dạy 10 người, cán bộ giáo vụ 4 người, còn lại là cán bộ hành chính, phục vụ.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất của trường thời kỳ này vô cùng khó khăn, phức tạp nhất là những năm đầu 1980 cơ sở vật chất như nhà cửa, nơi ăn chốn ở của học viên và cán bộ công nhân viên hết sức chật hẹp, thiếu thốn. Nhà trường với sức chứa lưu lượng học viên khoảng 100 đến 150 người , cơ sở này do trường Trung học nông nghiệp Tây nguyên bàn giao lại.
Về các trang thiết bị khác nói chung còn thiếu thốn chưa có gì đáng kể. Về phương tiện đi lại mới có một chiếc xe du lịch để chở các đồng chí trong Ban giám đốc và cán bộ đi họp, đi công tác. Tài sản lớn nhất của trường là Trường Đảng có một lượng lớn sách kinh điển đây là vốn qúi của trường, đường xá đi lại lầy lội điều kiện bảo đảm trật tự trị an còn rất kém.
Cơ sở vật chất của trường thời kỳ này chỉ thích hợp cho việc huấn luyện ngắn ngày với việc ăn ở tối thiểu, chưa đáp ứng việc ăn ở học tập dài ngày.
Mặc dù còn rất nhiều hạn chế, song những gì đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ 1977 - 1983 đã tạo tiền đề để nhà trường bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chương trình trung cấp  chính trị

video
Loading the player...

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH ĐẮK LẮK

01 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk

Điện thoại: 0262.3865307 - Fax: 0262.3865307

Email: tctdaklak@gmail.com

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 23/10/2017. ipv6 ready